Giải pháp \'gốc\' giảm nhập khẩu sữa

Thứ hai , 09/12/2013, 09:12 GMT+7
     
Năm 2013, dự kiến kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất thế giới.

 

CôngThương -  Nhập khẩu hơn 70%

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Từ năm 2001 đến nay, số lượng bò sữa tăng trưởng gấp 4 lần, từ 41 nghìn con lên 166 nghìn con. Trong khi đó bình quân một người dân Việt Nam mới chỉ được sử dụng 15 lít sữa/năm (nước lân cận Thái Lan là 35 lít, Trung Quốc 25 lít, còn Anh quốc là 112 lít)… Theo đánh giá của ông Dương, nhu cầu sử dụng sữa của người Việt vẫn tiếp tục tăng cao. Như vậy thị trường sữa của Việt Nam vẫn rất tiềm năng để cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng này.

Theo thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, tính đến cuối năm 2012, nước ta có 167.000 con bò sữa với sản lượng hơn 380.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng gần 30% nhu cầu. Thiếu nguyên liệu đầu vào, nên đa số nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước là nhập từ nước ngoài với sản lượng nhập khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại mỗi năm. Trong đó, đến 70% là sữa hoàn nguyên hay sữa pha lại.  

Trong số này, sản phẩm sữa nước chủ yếu là sữa hoàn nguyên, nên chất lượng sữa không cao. Thậm chí, các thông tin trên sản phẩm sữa vẫn còn mập mờ, khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận thông tin, kiến thức phổ cập về các loại sản phẩm sữa vẫn còn hạn chế, thiếu minh bạch, công khai. “Điều này làm chất lượng sữa chưa đảm bảo cũng dẫn đến việc người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm sữa nội, chuyển sang dùng sữa ngoại, từ đó gây tổn thất cho ngành sữa trong nước”- ông Tám nhận xét.

Xây dựng vùng nguyên liệu- Giải pháp gốc

Nhiều ý kiến cho rằng, để định hướng phát triển bền vững ngành sữa Việt Nam, Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp, tăng nhanh số lượng đàn bò; tăng năng suất sữa; hỗ trợ nông dân vốn, kỹ thuật chăn nuôi, thú y…

Ông Dương cho rằng, để giải quyết gốc rễ vấn đề, trước mắt phải đảm bảo phát triển số lượng đàn bò, đi liền với đó là xây dựng vùng nguyên liệu. Theo đó, phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phù hợp với lợi thế tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. “Phát triển chăn nuôi bò sữa trang trại thâm canh quy mô vừa và nhỏ, tăng mức bình quân từ 5 - 6 con/nông hộ hiện nay lên khoảng 10 - 15 con/hộ”- ông Dương đề xuất.

Bên cạnh đó, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, để ngành sữa trong nước không bị tụt hậu và đi ngược thế giới, không còn cách nào khác là phải ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu sản xuất sữa như: Áp dụng công nghệ sinh học, đặc biệt các công nghệ sinh học trong công tác giống và sinh sản để tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi bò sữa. Tăng cường công tác quản lý giống, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành chăn nuôi bò sữa.

Bà Thái Hương Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH cũng kiến nghị, các đơn vị, cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc thông qua các chính sách, các ưu đãi về tín dụng, lãi suất, đất đai, thông tin… để ngành sữa trong nước có thể phát triển bền vững hơn

Nguồn: